Ca sĩ Thanh Lan & Elvis Phương

 

 

 

 

 

Thanh Lan (sinh năm 1948) là một ca sĩ, diễn viên người Việt Nam. Bà là một trong những nghệ sĩ hiếm hoi thành công trên cả ba lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh và sân khấu. Ca sĩ Thanh Lan, nổi tiếng với các ca khúc nhạc Pháp, là một trong những gương mặt tiêu biểu cho thời kỳ đầu của nhạc trẻ ở Sài Gòn. Với điện ảnh, bà đã tham gia nhiều bộ phim nổi tiếng như Tiếng hát học trò, Ván bài lật ngửa.

 

 

 

 

 

Cuộc đời và sự nghiệp

Thanh Lan tên thật là Phạm Thái Thanh Lan, sinh ngày 1 tháng 3 năm 1948 tại thành phố Vinh, Nghệ An. Thuở nhỏ, Thanh Lan học tại trường trung học phổ thông Marie Curie, sau đó bà theo học Đại học Văn khoa Sài Gòn và tốt nghiệp năm 1973. Sau 1975, Thanh Lan ở lại Việt Nam tiếp tục ca hát và đóng phim. Cuối năm 1993, cô sang định cư tại California, Hoa Kỳ. Ngày 21 - 7 năm 2017 Thanh Lan về Việt Nam sau 25 năm định cư tại hải ngoại để làm Liveshow 'Khi Xưa Ta Bé" tại Thành phố Hồ Chí Minh.

 

Âm nhạc

Thanh Lan tham gia nghệ thuật từ rất sớm. Từ năm 9 tuổi, bà học dương cầm với các sơ ở trường Saint Paul, sau đó được vợ nhạc sĩ Thẩm Oánh và nhạc sĩ Nghiêm Phú Phi hướng dẫn. Từ khi còn là nữ sinh của trường Marie Curie, Thanh Lan đã bắt đầu hát trên đài phát thanh VTVN trong ban Việt Nhi của nhạc sĩ Nguyễn Đức và tham gia trong ban nhạc sinh viên mang tên Hải Âu của nhạc sĩ Lê Hựu Hà - đây cũng là một ban nhạc có khuynh hướng Việt hóa nhạc trẻ đầu tiên ở Sài Gòn.

 

Sau ban Việt Nhi, Thanh Lan gia nhập đoàn văn nghệ học sinh sinh viên Nguồn Sống. Bà thường hát dân ca và nhạc tiền chiến và ghi tên học các lớp dân ca và đàn tranh tại Trường Quốc gia Âm nhạc và Kịch nghệ tại Sài Gòn. Trong chương trình văn nghệ học đường quay hình trên đài Truyền hình Sài Gòn, Thanh Lan xuất hiện trong tiết mục dân ca ba miền và liền sau đó đã được đài truyền hình liên tiếp mời tham gia chương trình nhạc tình ca. Đó là những năm 1967, 1968 khi Sài Gòn mới có những chương trình truyền hình đầu tiên.

 

Ngay từ khi vào năm thứ nhất của Đại học Văn khoa, Thanh Lan bắt đầu trở thành một ca sĩ nổi tiếng. Bà tham gia hát trong rất nhiều băng nhạc, hình ảnh Thanh Lan cũng hiện diện trên các bìa bản nhạc bày khắp nơi. Trong thời kỳ phát triển mạnh mẽ của phong trào nhạc trẻ Việt Nam, Thanh Lan là một trong những khuôn mặt quen thuộc nhất với những ca khúc lời Pháp. Thanh Lan còn hát chung với nam ca sĩ Nhật Trường qua những tình khúc của Trần Thiện Thanh tạo thành cặp song ca ăn khách, rồi hai nghệ sĩ này còn đóng chung với nhau qua hai bộ phim truyền hình Trên đỉnh mùa đông và Mộng Thường do Nhật Trường viết kịch bản và đạo diễn phát sóng trên đài truyền hình Sài Gòn trước năm 1975.

 

Bà cũng đi lưu diễn ở một số nước trên thế giới. Năm 1973, tại Nhật Bản, cùng đi với hai nhạc sĩ Ngọc Chánh và Phạm Duy, Thanh Lan đã trình bày ca khúc "Tuổi biết buồn" được vào chung kết tại Đại hội âm nhạc quốc tế Yamaha tại Tokyo. Bà còn ở lại Tokyo để thu âm hai bài "Ai no hio Kesanaide" và "Tuổi mộng mơ" của Phạm Duy, được dịch sang tiếng Nhật là "Yume o Miruno".

 

Sau vài năm gián đoạn từ 1975, Thanh Lan lại tiếp tục hoạt động bên lĩnh vực ca nhạc, nổi tiếng với các bài hát như: "Cô đi nuôi dạy trẻ", "Đi qua vùng cỏ non", "Phượng hồng", "Em đi chùa Hương", "Triệu đóa hoa hồng", "Khi xưa ta bé (Bang bang)", "Trở về mái nhà xưa (Come back to Sorrento)", "Búp bê không tình yêu", "Giàn thiên lý đã xa", "Samba Mambo", "Trưng Vương khung cửa mùa thu". Bà tham gia hát nhiều nơi như Đoàn Kim Cương, đoàn Bông Hồng, đoàn Hương Miền Nam...

 

Thanh Lan cũng tổ chức những buổi biểu diễn riêng như Tiếng hát Thanh Lan vào năm 1991 tại sân khấu 4A ngoài trời Nhà Văn hóa Thanh niên, Đêm nhạc Thanh Lan vào năm 1992 tại hội trường 1 Nhà Văn hóa Thanh Niên. Thanh Lan đã từng thu âm băng nhạc cho các hãng băng như: Sài Gòn Audio, Bến Thành Audio, Vafaco, Phương Nam phim, Trẻ, Phú Nhuận...

 

Cuối năm 1993, Thanh Lan sang định cư tại Mỹ và tiếp tục tham gia các hoạt động văn nghệ. Bà đi trình diễn ở các tiểu bang của Hoa Kỳ và hợp tác thu âm cùng rất nhiều hãng đĩa. Bà từng đứng ra thực hiện riêng cho mình các CD, VCD, DVD ca nhạc, trong số đó có nhiều nhạc phẩm do bà soạn lời Việt từ những nhạc phẩm Pháp nổi tiếng.

 

Sân khấu

Từ năm 18 tuổi, Thanh Lan đã diễn vai chính nhiều vở kịch truyền hình trong ban kịch Vũ Đức Duy. Năm 1973, ban kịch Vũ Đức Duy trình làng vở kịch Những người không chịu chết của kịch tác gia Vũ Khắc Khoan trên truyền hình cũng như tại sân khấu rạp Thống Nhất và sân khấu Viện Đại học Đà Lạt với thành phần diễn viên: Thanh Lan, Vũ Đức Duy, Nguyễn Lập Chí, Lê Cung Bắc. Trong vở kịch này, Thanh Lan đóng vai cô gái hơi bị tâm thần con ông bảo vệ trong một thương xá tại Sài Gòn.

 

Ngoài một số vở kịch vui của ban kịch Vũ Đức Duy, Thanh Lan đã nhận nhiều vai chính trong những vở bi kịch như Mắc lưới với ban kịch Linh Sơn, Chiếc độc bình Khang Hy, Người viễn khách thứ mười. Bà đã xuất hiện trong vở Chuyến tàu mang tên dục vọng tại sân khấu của Hội Việt Mỹ Sài Gòn.

 

Sau 1975, Thanh Lan có tham gia đóng vai một nhân vật Mỹ trong một vở kịch ngắn trình diễn trên sân khấu đoàn ca nhạc điện ảnh Sài Gòn và tham gia thâu âm băng cassette chương trình hài kịch Đội lốt Việt kiều cùng với các nghệ sĩ Duy Phương, Tú Trinh, Nguyên Hạnh, Túy Phượng. Năm 1991, bà đã từ chối không tham gia vở kịch Tình nghệ sĩ do đạo diễn Hồng Phúc dàn dựng.

 

Ở hải ngoại, Thanh Lan cũng đã diễn vai chính trên sân khấu California trong các vở kịch như: Lá sầu riêng, Lôi vũ, Lồng đèn đỏ, Đoạn tuyệt, Sân khấu về khuya, Phù dung tự. Những vở kịch này đã được lần lượt trình diễn tại các sân khấu của quận Cam, San Jose, Houston, thành phố Atlantic. Ngoài ra, Thanh Lan đã viết ba vở kịch vui: Công tử Bạc Liêu cùng diễn với Ái Vân tại vũ trường Ritz, quận Cam và Baton Rouge, Chuyện vui này xuân cùng diễn với Mai Lệ Huyền tại vũ trường Majestic, Quận Cam và tại San Jose và Look Alike cùng diễn với Mạnh Đình tại Majestic, Orange County và tại Houston. Bà cũng đã từ chối hai vở Yêu và Tây Thi vì đang bận đi diễn xa. Cuối thập niên 1990, tại California các khán giả Việt Nam yêu kịch đã bầu Thanh Lan là nữ kịch sĩ xuất sắc.

 

Điện ảnh

Sự nghiệp điện ảnh của Thanh Lan bắt đầu vào năm 1970, khi bà đóng vai chính trong bộ phim Tiếng hát học trò của đạo diễn Thái Thúc Nha do hãng phim Alpha sản xuất. Với vai diễn này, Thanh Lan đã đoạt giải nữ diễn viên nhiều triển vọng nhất của Giải thưởng Văn học Nghệ thuật năm 1971. Cuối năm 1974, tại phòng khánh tiết khách sạn Continental, Thanh Lan đã nhận giải diễn viên đẹp nhất miền Nam Việt Nam do đạo diễn Lê Dân trao. Trước 1975, Thanh Lan đã tham gia đóng 8 bộ phim điện ảnh cùng với 2 phim truyền hình: Tiếng hát học trò (1970), Lệ đá (1971), Ngọc Lan (1972), Gánh hàng hoa (1972), Trên đỉnh mùa đông (1972), Xin đừng bỏ em (1973), Xóm tôi (1973), Trường tôi (1973), Mộng Thường (1973), Goodbye Saigon (1975). Phim Goodbye Saigon do hãng phim Amino Nhật và đạo diễn Nhật quay vào tháng 3 năm 1975: Number ten blues. Về sau bộ phim này được đổi tên thành Goodbye Saigon, trong đó Thanh Lan thủ vai nữ chính bên cạnh hai diễn viên người Nhật.

 

Năm 1984, khi đang chuẩn bị quay tiếp bộ phim Ván bài lật ngửa tập 4 Cơn hồng thủy và Bản tango số 3 thì nữ diễn viên chính Thúy An mang thai, không thể tiếp tục tham gia vai diễn Thùy Dung với nhiều cảnh hành động. Để không ảnh hưởng đến kế hoạch sản xuất phim trong năm 1984 của Xí nghiệp phim Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh đã quy định, đạo diễn Lê Hoàng Hoa đành tìm chọn diễn viên khác thay thế. Ông đã mời nữ diễn viên Phạm Thúy Lan, nhưng Thúy Lan đang bận đóng phim Vụ án hồ Con Rùa của đạo diễn Trần Phương. Cuối cùng đạo diễn Lê Hoàng Hoa mời Thanh Lan và bà đồng ý tham gia bộ phim này.

 

Sau khi thực hiện xong tập 4 Cơn hồng thủy và Bản tango số 3, hãng phim, đạo diễn Lê Hoàng Hoa cũng như đoàn làm phim Ván bài lật ngửa nhận thấy rằng Thanh Lan có ngoại hình rất phù hợp với nhân vật Thùy Dung, bà được đánh giá cao về mặt diễn xuất cho nên bà đã được mời tiếp tục đảm nhận vai diễn Thùy Dung cho các tập còn lại của phim Ván bài lật ngửa thực hiện trong các năm 1985, 1986 và 1987.

 

Trong năm 1986, sau khi quay xong tập 6 Lời cảnh cáo cuối cùng của phim Ván bài lật ngửa, Thanh Lan được đạo diễn Nguyễn Xuân Thành mời vào vai Diệu Hương cho phim Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc. Bà đã diễn xuất thành công vai Diệu Hương. Bộ phim Bài hát đâu chỉ là nốt nhạc khi trình chiếu nhân dịp Tết Nguyên đán năm 1987 đã ăn khách đứng hàng thứ hai sau phim Cao áp và nước lũ - tập 7 của Ván bài lật ngửa, đồng thời đây cũng là bộ phim Việt Nam ăn khách đạt doanh thu đứng hàng thứ ba trong năm 1987 sau các phim Cao áp và nước lũ, Trả lại tên cho em - tập 4 của phim Biệt động Sài Gòn.

 

Năm 1987, sau khi hoàn thành vai diễn Thùy Dung trong Vòng hoa trước mộ - tập 8 của phim Ván bài lật ngửa, Thanh Lan tham gia phim Ngoại ô của đạo diễn Lê Văn Duy. Năm 1989, bà thể hiện vai Thục Nhàn trong tập 1 Số phận của phim Đằng sau một số phận do đạo diễn Lê Hoàng Hoa thực hiện.

 

Thanh Lan cũng đã lồng tiếng giọng Huế cho vai Nguyệt trong phim Cô gái trên sông của đạo diễn Đặng Nhật Minh. Người thể hiện vai này là diễn viên Minh Châu. Trong sự nghiệp điện ảnh, Thanh Lan từng từ chối ba phim: Chuyện tình của biển (1989), Tên phim dành cho khán giả (1992), Qua mùa giông bão - tập 3 của phim Nước mắt học trò (1993).

 

Cuối năm 1993, Thanh Lan chuẩn bị làm bộ phim điện ảnh đầu tay Đan Thanh do bà viết kịch bản và đạo diễn, với Nguyễn Chánh Tín và Lê Cung Bắc đóng vai chính, nhưng chưa kịp thực hiện.

 

Năm 1993, trong một chuyến đi quảng bá phim, Thanh Lan đã chọn ở lại Hoa Kỳ và định cư từ đó đến nay.

 

Chương trình truyền hình

Năm 2019, ca sĩ Thanh Lan đã trở về Việt Nam sau 25 năm và xuất hiện trong chương trình Ký ức vui vẻ mùa 2.

 

Đời tư

Theo hồi kí ca sĩ Thanh Lan, bà được sinh ở một địa điểm vô danh tại thành phố Vinh vì bấy giờ gia đình đang chạy loạn. Cũng vì vậy, bà bị sinh non, tức là tháng thứ 7 thai kì, nên về sau thường rất mẫn cảm, dễ khóc. Thân phụ bà người Hà Nội, còn mẹ gốc Huế. Vấn đề này về sau có ảnh hưởng lớn cho sự nghiệp, khi mà Thanh Lan có nhiều khả năng như hát, soạn kịch, đóng phim và cả lồng tiếng bằng giọng ba miền.

 

Thanh Lan vốn làm ca sĩ từ bé, nhưng về sau được bác cả (anh của mẹ) là đạo diễn Thái Thúc Nha cho đóng vai chính tất cả phim hãng Alpha đầu thập niên 1970, đặc biệt Tiếng hát học trò nên càng nổi tiếng hơn. Đạo diễn Thái Thúc Nha bấy giờ là tổng trưởng Hiệp hội Điện ảnh Việt Nam, lại có người con trai Thái Thúc Hoàng Điệp cũng là đạo diễn có tay nghề cao.

 

Thanh Lan có cuộc hôn nhân rất ngắn với một người quê gốc ở Long Biên tên là Dũng. Hai người gặp nhau trong một lần Thanh Lan lên Đà Lạt biểu diễn. Mặc dù có nhiều tin đồn ác ý của báo lá cải, song Thanh Lan khẳng định mối quan hệ giữa hai người chưa bao giờ tới mức phải cãi vã hay thậm chí chồng đánh vợ, cho đến mãi sau này tình cảm của bà với gia đình chồng vẫn tốt đẹp. Kết quả hôn nhân này là một con gái.

 

Trong thời gian đại dịch COVID-19, Thanh Lan quyết định hoàn tất cuốn hồi kí Bão tố cuộc đời, vốn là tập bản thảo bắt đầu thực hiện từ năm 2002. Đến năm 2022 thì ấn phẩm chính thức ra mắt độc giả với hai phiên bản : Tumultuous Life và Bão Tố Cuộc Đời.[6] Trong đó, bản gốc vốn hoàn toàn bằng Anh ngữ, nhưng Thanh Lan dành ra hai năm diễn ra đại dịch để dịch sang Việt ngữ với ước vọng giúp giới trẻ Việt ở Mỹ tiếp cận được ngôn ngữ mẹ đẻ thông qua việc đối chiếu với cuốn gốc.

 

 

 

 

Phạm Ngọc Phương (sinh ngày 1 tháng 2 năm 1945) thường được biết đến với nghệ danh Elvis Phương, là một ca sĩ người Việt Nam. Thể hiện thành công với nhiều thể loại nhạc như pop, rock và nhạc trữ tình. Ông từng là thành viên của ban nhạc Phượng Hoàng.

 

 

 

 

 

Cuộc đời và sự nghiệp

Thời niên thiếu và khởi đầu sự nghiệp

Elvis Phương tên thật là Phạm Ngọc Phương, sinh năm 1945 tại Bình Dương, trong một gia đình trí thức Tây học khá giả. Cha mẹ ông là người huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nhưng chuyển đến sinh sống tại Bình Dương từ thập niên 1940. Cha ông là kiến trúc sư và giáo sư dạy tiếng Pháp.

 

Elvis Phương là con trai trưởng trong gia đình với 8 người em gái (trong đó có ca sĩ Kiều Nga) và 1 em trai. Từ lúc 5 tuổi, ông đã học mẫu giáo ở trường Pháp Aurore, do đó ông có sự tiếp xúc khá sớm với âm nhạc phương Tây. Ông theo học Pháp văn cho đến tận lúc thi đậu tú tài đôi. Thuở nhỏ ông thường được nghe nhạc Pháp trong trường, và âm nhạc đã thấm đẫm trong con người ông dần dần từ lúc đó. Thuở nhỏ ông học chung lớp với nghệ sĩ Thanh Nga.

 

Ông biểu diễn trước công chúng lần đầu vào năm 1962 tại trường dòng Regina Pacis. Bài hát đầu tiên Elvis Phương biểu diễn là Nửa đêm ngoài phố của nhạc sĩ Trúc Phương. Ông tham gia nhiều ban nhạc như Rockin' Stars, Les Vampires... Là một trong những người khuấy động phong trào nhạc trẻ đầu tiên của Sài Gòn trong ban nhạc Phượng Hoàng lúc ấy còn có Nguyễn Trung Cang, Lê Hựu Hà,... sau này trở thành một ca sĩ có thể hát nhiều thể loại từ rock, pop, trữ tình cho đến ca khúc trữ tình quê hương.

 

Lúc đó ông chỉ hát nhạc nước ngoài với cái tên Ngọc Phương, có ngoại hình nhìn giống ca sĩ người Mỹ lừng lẫy lúc đó là Elvis Presley với mái bass để dài, gương mặt điển trai, nên một người bạn đề nghị ông đổi sang dùng nghệ danh Elvis Phương.

 

Là ca sĩ tự do được một thời gian, sau đó Elvis Phương tham gia hát trong ban nhạc Shotguns của nhạc sĩ Ngọc Chánh từ khoảng cuối thập niên 1960. Ông cũng là ca sĩ thường xuyên góp giọng hát trong các băng nhạc Shotguns nổi tiếng và đến nay vẫn còn được khán giả tìm nghe lại sau 50 năm. Trong số những ca khúc Elvis Phương đã thu cho Shotguns, có 2 ca khúc tiêu biểu nhất là Vết Thù Trên Lưng Ngựa Hoang và Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, với tiếng huýt sáo trong đoạn gian tấu đã làm nên thương hiệu Elvis Phương. Đây cũng là thời gian 2 năm liên tiếp ông được trao giải Kim Khánh cho danh hiệu ca sĩ hát nhạc trẻ được yêu thích nhất do độc giả báo Trắng Đen bình chọn.

 

 

Tuy nhiên, sự nghiệp của Elvis Phương lên đỉnh cao và gây tiếng vang lớn nhất phải kể đến thời gian hát trong ban nhạc Phượng Hoàng.

 

Suốt thập niên 1960, tất cả các ban nhạc trẻ tại Việt Nam đều hát nhạc nước ngoài, hoặc hát nhạc ngoại lời Việt. Sang thập niên 1970 thì xuất hiện ban nhạc Phượng Hoàng chỉ hát nhạc Việt của chính hai nhạc sĩ trong ban sáng tác, đó là Lê Hựu Hà và Nguyễn Trung Cang.

 

Elvis Phương kể lại, một hôm đến hát ở Queen Bee, ông thấy có một người đứng nhìn mình có vẻ ngập ngừng. Một lúc sau, có vẻ như người đó đã lấy hết can đảm đến bắt chuyện, tự giới thiệu là nhạc sĩ Lê Hựu Hà, và đưa ca khúc mới vừa sáng tác mang tên Yêu Em và nhờ Elvis Phương hát. Bài hát này được nhạc sĩ viết tặng cho người bạn gái.

 

Elvis đã đồng ý, nhận lời hát và thu thanh bài hát. Thời gian sau đó, khi Yêu Em đã thành bài hit, nhạc sĩ Lê Hựu Hà đến gặp Elvis Phương để nói lời cám ơn, và tiết lộ rằng chính nhờ bài hát này mà nhạc sĩ được nên duyên vợ chồng với người bạn gái. Lúc này Lê Hựu Hà cũng ngỏ lời mời Elvis Phương tham gia vào ban Phượng Hoàng để thay thế cho ca sĩ Duy Quang trước đó chỉ tham gia được một thời gian ngắn và đã rời ban.

 

Đây cũng là thời điểm đánh dấu một mốc son chói lọi trong sự nghiệp âm nhạc rực rỡ của Elvis Phương.

 

Trong đêm nhạc Sol Vàng với chủ đề Bước tình hồng diễn ra vào ngày 8 tháng 10 năm 2016, Elvis Phương đã hát lại các ca khúc như Tôi muốn, Yêu em, Thương nhau ngày mưa, Anh vẫn biết…, nhằm vinh danh cố nhạc sĩ Nguyễn Trung Cang và Lê Hựu Hà trong ban nhạc Phượng Hoàng.

 

Đời tư

Elvis Phương kết hôn 3 lần. Người vợ đầu tiên quê ở Đà Lạt, mất trong một vụ tai nạn giao thông năm 1970. Người vợ thứ hai tên Lộc. Người vợ hiện tại là Phan Lệ Hoa.

 

Elvis Phương là anh trai của ca sĩ hải ngoại nổi tiếng Kiều Nga.

 

Elvis Phương định cư tại nước ngoài từ năm 1975, lúc đầu ở Pháp, sau đó ở Hoa Kỳ. Sau khi mổ tim vào năm 1998 ông cùng vợ về quê vợ tại Nha Trang[2]. Hiện thời thì ông cư trú tại quận 12, thành phố Hồ Chí Minh.

 

Ca sĩ Kiều Anh - em gái của Elvis Phương cho rằng anh trai không xứng đáng hát bài "Bông hồng cài áo" bởi nam danh ca không về chịu tang khi mẹ mất.

 

Hoạt động khác

Ngày 28 tháng 4 năm 2021, Elvis Phương chính thức phát hành album Em dấu yêu, đĩa nhạc đánh dấu sự nghiệp 60 năm ca hát. Album là 12 ca khúc nhạc ngoại, được tuyển lựa kỹ lưỡng, một số ca khúc được viết lời Việt bởi những tên tuổi lớn như: Duy Quang, Trung Hành.


Commentaires: 0 (Discussion fermée)
    Aucun commentaire pour le moment.